Nghe thì có vẻ đầy học thuật, chuyên sâu, nhưng thực chất thì bài viết này sẽ giúp mọi người có một cái nhìn toàn diện hơn về việc đánh giá mọi thứ xung quanh, cách chúng được tạo ra, hoạt động như thế nào, làm sao để có thể thiết kế sản phẩm giúp người dùng cảm thấy thực sự vui vẻ khi sử dụng chúng.

Mình cũng cố gắng đưa ra thật nhiều ví dụ thực tế để mọi người dễ dàng tiếp cận vấn đề hơn và biết cách ứng dụng những gì học được vào những dự án thực tế mà các bạn đang thực hiện.

Bài viết này là một sự tổng hợp lại những gì mình đã học được từ buổi thuyết trình của Joe Leech tại SmashingConf SF 2018 về chủ đề ứng dụng tâm lý học vào thiết kế trải nghiệm người dùng. Joe Leech đã có tới 14 năm kinh nghiệm trong việc này, ông từng góp phần vào việc phát triển những trang web như mariott.com, ebay.com. Nhìn chung thì công việc của ông là giúp các công ty phát triển theo đúng hướng, đạt được những kết quả kinh doanh thuận lợi, giúp họ tìm ra những lý do đúng đắn để tiếp tục phát triển, cùng với đó là khiến người dùng hài lòng khi sử dụng các sản phẩm. Đồng thời ông còn là tác giả của cuốn sách Psychology for Designers, nội dung nói về việc ứng dụng tâm lý học trong việc thiết kế trải nghiệm người dùng.

Nội dung của bài viết được chia thành 3 thành phần chính, đầu tiên mình sẽ chia sẻ về những thực hành để giúp mọi người hiểu về tâm lý học, cách người dùng sử dụng các sản phẩm hàng ngày một cách tóm tắt, sau đó là một số ví dụ thực tế trong việc thiết kế cải thiện trải nghiệm người dùng.

Nắm rõ người dùng của mình

Sự sao nhãng

Trước tiên thì mình có một vài chia sẻ khá vui, theo như số liệu thống kê vào tháng 10 năm 2011 ở Dubai và Abu Dhabi, tỉ lệ các vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng đã giảm xuống một cách đáng kể, cụ thể là 20% ở Dubai và 40% ở Abu Dhabi, lý do giải thích cho việc này không phải vì mọi người có ý thức tham gia giao thông tốt hơn hay gì cả, mà là bởi vì hệ thống nhắn tin của BlackBerry đã bị sập và mất 48 tiếng đồng hồ để hoạt động trở lại. Điều này lý giải rằng con người thường không giỏi trong việc làm cả 2 thứ cùng một lúc, cụ thể là sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Mặt khác, mọi người đang quá tự tin vào việc có thể làm tốt được cả 2 thứ trong cùng một thời điểm.

Dịch vụ của BlackBerry sống lại sau khi bị sập

Dịch vụ của BlackBerry sống lại sau khi bị sập

Một ví dụ khác là việc theo dõi chương trình American’s Got Talent ở Mỹ, có tới 40% người trong tổng số những ai sử dụng thiết bị công nghệ bao gồm điện thoại, máy tính bảng, laptop vừa xem TV, vừa... sử dụng chúng.

Chương trình Tìm kiếm tài năng nổi tiếng

Chương trình Tìm kiếm tài năng nổi tiếng

Những ví dụ trên chỉ ra rằng các sản phẩm đó chưa được thiết kế ra một cách “hoàn hảo” nhất, người dùng dành 100% sự tập trung vào nó, họ thường bị sao nhãng, mất tập trung vào sản phẩm và tạo những ảnh hưởng không tốt.

Sự mệt mỏi

Biểu đồ thể hiện sự liên quan giữa tỉ lệ đưa ra quyết định tốt và thời điểm trong ngày

Biểu đồ thể hiện sự liên quan giữa tỉ lệ đưa ra quyết định tốt và thời điểm trong ngày

Biểu đồ trên thể hiện sự liên quan giữa tỉ lệ những quyết định đúng đắn được đưa ra so tương ứng với thời gian trong ngày. Nó chỉ ra rằng, những quyết định không tốt thường được đưa ra vào thời điểm trước bữa sáng và bữa trưa. Con người dễ đưa ra những quyết định sai lầm khi đang trong tình trạng đói mệt. Thực tế khi người dùng phải sử dụng một trang web trong lúc bụng đang sôi cồn cào vì chưa được nạp đầy thức ăn, họ sẽ có xu hướng dễ cáu giận, bực tức hơn bình thường đấy nhé.

Động lực

Ngoài ra, sự mệt mỏi còn khiến con người trở nên “lười biếng” hơn, bạn không thể nào tập trung vào công việc nếu cả ngày mệt mỏi, nhức đầu phải không? Động lực làm việc của bạn sẽ bị giảm đi một cách đáng kể và khiến bạn không thể đạt được hiệu suất làm việc cao khi đang rất mệt mỏi.

Tháp nhu cầu của Maslow

Tháp nhu cầu của Maslow

Đây là một hình ảnh về Tháp nhu cầu của Maslow, bạn có thể thấy rằng thức ăn, nước uống, nghỉ ngơi là nhu cầu cơ bản của con người, đó cũng chính là lý do tại sao bạn luôn cần có một cái bụng no, sức khỏe tốt để có thể làm mọi việc một cách suôn sẻ. Nhưng thực tế thì tháp nhu cầu này cũng không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp, với những tầng tháp cao hơn, nhu cầu của con người có thể xáo trộn cho nhau ở một số chỗ, tùy thuộc vào con người ở mỗi nền văn hóa khác nhau.

Lựa chọn

Tất cả mọi người đều thích được quyền lựa chọn, đó là điểu hiển nhiên rồi còn gì, nhiều sự lựa chọn giúp họ cân đo đong đếm và quyết định lấy một thứ mà mình cảm thấy thích hoặc phù hợp nhất, và đôi khi những sự lựa chọn này khiến họ bối rối và không biết phải làm gì. Một ví dụ về việc thiết kế logo cho khách hàng, khi bạn hỏi khách hàng muốn xem 5 hay là 10 tùy chọn, thì đương nhiên là họ sẽ chọn con số 10, nhưng thực tế cho thấy rằng trường hợp bạn đưa cho khách hàng 5 lựa chọn sẽ giúp bạn nhanh có hợp đồng hoặc thu được chi phí từ khách hàng hơn là 10 lựa chọn, những gì mọi người nói với bạn thường trái ngược lại so với những gì họ sẽ làm. Do đó bạn cần phải theo dõi cách người dùng của mình làm những gì hơn là chỉ đưa cho họ những câu hỏi và bắt họ lựa chọn.