MÌNH VÀ CÁC KHÓA HỌC ONLINE (MOOCS)

Một bài viết về hành trình tự học của mình với những khóa học trực tuyến. Mong là qua bài viết này bạn sẽ biết thêm một vài thông tin về các công cụ, mẹo và những trang web hỗ trợ việc học trực tuyến. Tuy đã cố gắng hạn chế nhưng bài viết vẫn có chứa các từ tiếng Anh, mình sẽ thêm các chú thích để tạm dịch sang tiếng Việt cho những ai chưa biết. Qua đó biết đâu còn có thể học thêm được vài từ vựng mới nữa đó.

I. MOOCs là gì?

MOOCs (Massive Open Online Courses) dịch ra tiếng Việt nôm na là "khóa học trực tuyến đại chúng mở". Chúng là những bài giảng, video chia sẻ một kiến thức nào đó mà chỉ với internet bạn có thể truy cập được (một số khóa học có tính phí).

Mình biết đến các khóa học trực tuyến này đầu tiên là từ cuốn sách "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" của chị Rosie Nguyễn. Có thể nói cuốn sách này là kim chỉ nan đầu tiên hướng mình đến việc phát triển bản thân, tự nhận thức và những kiến thức mới lạ khác. Tuy nhiên trải nghiệm của mình với MOOCs lúc đó chỉ dừng lại ở việc biết. Về sau, càng ngày mình càng được tiếp xúc nhiều hơn với những thông tin về khóa học qua Youtube, đặc biệt là những kênh như Duy Luân dễ thương, The Present Writer, Tina Huang. Đó là những tấm gương tự học trong thời đại mới, truyền cho mình động lực cũng như sự cạnh tranh. Mỗi lúc thấy người khác làm được việc gì mà mình chưa thể mình đều tự hỏi "vì sao người khác làm được mà mình không làm được?". Từ đó, hành trình tự học của mình bắt đầu.

II. Những khóa học đầu tiên

Theo trí nhớ của mình thì khóa học online đầu tiên mình đăng ký là vào năm lớp 8. Lúc đó mình mò mẫm trên Google với từ khóa "lập trình cho người mới bắt đầu". Sau bao nhiêu trang review, thống kê, xếp hạng, mình tới được website freecodecamp và chọn khóa Responsive Web Design. Phần lớn vì nó free, phần còn lại vì nó có certificate (chứng chỉ) khi hoàn thành khóa học.

Trải nghiệm đầu tiên của mình với MOOCs là "buồn ngủ". Lớp 8, chưa đủ vốn từ vựng tiếng Anh, chưa có công cụ và cũng chưa có sự kỷ luật và phương pháp cần thiết, học một thứ hoàn toàn mới như HTML hay CSS là một cái gì đó rất tốn sức. Hầu hết những hướng dẫn là bằng văn bản (text) với một vài hình ảnh minh họa. Mình đã phải đấu tranh rất nhiều để không ngủ gục khi tự học. Nhưng freecodecamp cũng có cái hay là nó không yêu cầu phải tải một trình biên dịch về máy (Visual Studio, Netbean, Sublime Text...) mà có sẵn một môi trường biên dịch tự động trên nền web, code xong, bấm chạy là ra kết quả. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, mình bị khựng lại khi làm thử một trang web hiển thị thời khóa biểu nhưng gặp lỗi. Không biết hỏi ai, cũng không biết ở freecodecamp và vô số các trang web khác luôn có những cộng đồng để giúp đỡ, mình dừng việc tự học lại.

Tháng 6 năm 2021, mình trở lại với MOOCs khi biết mình đủ điểm xét tuyển vào ngành mong muốn với khóa học "The Science of Well-Being" của Đại học Yale trên Coursera. Đây là một khóa học miễn phí, mà lúc đó mình rảnh rỗi nữa, nên cứ enroll (đăng ký) thôi. Khóa học này cung cấp cho mình khá nhiều kiến thức mới về hạnh phúc, về những ngộ nhận con người thường gặp phải và cách duy trì sự thỏa mãn trong cuộc sống để luôn thấy biết ơn, thấy đủ. Cuối năm 12 nên từ vựng tiếng Anh của mình cũng khá hơn trước nhiều, phương thức học là qua video chứ không phải text như trước nữa nên mình có nhiều động lực để hoàn thành hơn lần đầu với freecodecamp. Bên cạnh đó, mình cũng được một bạn chung ngành mới quen ở Đại học chỉ cho ứng dụng Anki và dùng Anki để học những từ mới trong khóa học đó. Không chỉ từ vựng, mình còn dùng Anki để lưu trữ những kiến thức quan trọng được nhắc đi nhắc lại trong khóa học. Cách thiết kế bài giảng cũng cho mình cảm giác là mình đang ngồi trong lớp học và tương tác với cô Laurie Santos. Từ đó, mình đã có thêm thiện cảm với MOOCs nói chung và Coursera nói riêng.

III. Khoảng thời gian ôn thi THPTQG