Đến với ngôi làng Harie tại Nhật Bản bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những đàn cá tung tăng bơi lội trong những mương nước trong vắt quanh làng và luôn được nghe tiếng nước chảy róc rách khắp nơi. Người dân ở đây đã sống hài hòa với nước như vậy suốt mấy trăm năm. Nước mang lại sự sống cho họ nên họ giữ cho nước luôn sạch. Để dung hòa được nhu cầu của con người và sự bền vững của nguồn nước, người dân Haire đã sử dụng một hệ thống cung cấp và xử lí nước mang tên Kabata.

https://lh5.googleusercontent.com/vIh1zPpXAyI9Uji46rTorHJ9PT0SW_q38prBf0RJHH80nbAOdMByZ6OfiBlERYSrVvwM9eqAl0VK5BH1wZRzXRG1Iet6jKfEVg2mMKlSb-_9eNbgX4347bbbWwHDF0cCraSEcmkQ

Làng Harie nằm ở rìa một vùng bãi bồi cạnh hồ nước lớn nhất Nhật Bản – hồ Biwa, thuộc tỉnh Shiga. Với dân số chỉ khoảng 600 – 700 người, chưa tới 200 hộ dân thì có khoảng một nửa số hộ gia đình ở Harie vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống nước tự nhiên Kabata bên cạnh nước máy.

Làng Harie và hệ thống Kabata từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Satoyama: Japan’s Secret WaterGarden của đài NHK. Ngôi làng này được gọi là The Village of Syozu – Ngôi làng nơi nước mang tới sự sống.

Hệ thống Kabata đưa nước từ nguồn nước ngầm bắt nguồn từ nước suối trên núi vào từng hộ gia đình, chia ra thành những tầng khác nhau. Kabata thường được xây dựng thành một phòng riêng biệt của ngôi nhà, nằm trong (Uchi-Kabata) hay ngoài nhà chính (Soto-Kabata). Các bồn và chậu rửa được đặt thấp hơn mặt sàn hay nói cách khác, sàn căn phòng được xây ngay phía trên các chậu rửa này.

https://lh4.googleusercontent.com/TPzTFVuLramSbQ5gOzWM7GQhugC3fq_qSLKgWecanW9_IeG946DmBfArZufJcIPu42eOah2A6FbT2UCbz1r3MAgDeZLa9hyFTZ0hw9u8An79MLTHHwG8BiuoAkNrxlqDCgXE9Kdr

Nước chảy vào chậu rửa nhỏ bằng đá từ một đường ống được nối với mạch nước ngầm. Khi chậu rửa nhỏ đầy, nước sẽ chảy xuống bồn rửa lớn phía dưới. Bồn rửa này thường chiếm khoảng một nửa hoặc hai phần ba diện tích căn phòng. Chậu rửa thường có đường kính nhỏ hơn 1 mét và nằm trong bồn rửa lớn.

Mỗi tầng nước sẽ được dùng cho những mục đích khác nhau. Nước chảy ra từ vòi được dùng cho ăn uống. Nước trong chậu rửa nhỏ được dùng để làm mát, rửa rau củ, vo gạo và tráng đồ đã rửa. Nước trong bồn rửa lớn để rửa các dụng cụ nhiều chất bẩn hơn.

Nước trong hệ thống Kabata thường duy trì ở mức 13 – 15 độ quanh năm nên vào mùa hè, người dân Harie dùng chính nước này để làm mát và bảo quản các loại hoa quả, rau củ, đậu phụ hay làm nguội nước, trà nóng.

https://lh3.googleusercontent.com/D2tETG39ZW7zVlt6HaoTBRmJhTG40oO_taaIXkzpjJdP4vOgWTOJQM_cvv8S4_Gn2SkzuravcuYBXr-5zx8grXrJAygUVV2O6Brz4Tp--5AJPdRhfE21adgjsYtS86eyEFsEpvKV

Nhờ vào cách phân tầng này mà hệ thống Kabata giữ cho nước ở các tầng luôn đảm bảo chất lượng, không trộn lẫn vào nhau. Nước từ vòi sẽ luôn sạch hơn nước trong chậu nhỏ và nước trong chậu sẽ sạch hơn nước trong bồn lớn.

Điểm đặc biệt ở hệ thống Kabata là sự xuất hiện của các loài cá chép. Chúng được tự do bơi lội trong khu bồn lớn. Cá chép sẽ ăn những vụn thức ăn rơi xuống nước khi dọn rửa hoặc ăn từ chính đồ bếp bẩn mà người dân để xuống đáy bồn rửa. Loài cá vừa có thức ăn, vừa giúp làm vệ sinh dòng nước.

Đàn cá chép giúp dọn sạch thức ăn thừa khỏi dòng nước trước khi đổ ra dòng chảy chung.

https://lh3.googleusercontent.com/V90UWIk0WT3Mbn5igIdtMlnooyn_VpSm_IoLZBM576hjTfNiogK2ZmHcPgo35b4hjFkUy2Ctebu-kk0jzzEQPHjywjFoPtnVvPFERThTFB6AjNjSgrmzi7RlYhuC0ox0TwzNKsX0

Nước từ trong chậu rửa thứ hai sẽ đổ ra các mương nước quanh làng, chảy vào sông Harie. Chúng sẽ chảy vào các ruộng lúa và một phần đổ vào hồ Biwa. Hồ lớn nhất Nhật Bản này còn được gọi là Mother Lake – Hồ Mẹ bởi nó đã cung cấp nguồn sống cho cả một khu vực rộng lớn xung quanh về thủy sản, canh tác nông nghiệp, nguồn nước…

Khoảng nửa thế kỉ trước hồ Biwa từng rơi vào tình trạng ô nhiễm do chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt, phần lớn từ chất tẩy rửa. Thậm chí người dân ở các thành phố sử dụng nước từ sông Biwa đã tổ chức các cuộc biểu tình khi phát hiện ra họ mắc bệnh từ nguồn nước ô nhiễm của con sông.

Người dân ở Harie đã thống nhất không sử dụng các loại chất tẩy rửa nhân tạo có tác hại đến nguồn nước và sinh vật. Họ còn thu gom dầu ăn thừa để tự làm bột giặt vì Harie muốn bảo vệ nguồn nước của làng và cũng muốn giữ cho nước sông Biwa không bị ô nhiễm bởi chất tẩy rửa. Chính những hành động như vậy của người dân Harie và nhiều vùng khác quanh sông Biwa đã tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong ngành sản xuất bột giặt tại Nhật Bản và thúc đẩy cho ra kế hoạch hành động giải cứu hồ Biwa.

Quay trở lại với hệ thống Kabata tại làng Harie. Chất lượng nguồn nước ở đây tinh khiết đến nỗi nước từ vòi đáp ứng được tiêu chuẩn nước uống tại Nhật Bản. Ngay cả dòng nước sau khi đã đổ vào sông Harie vẫn khá sạch so với các vùng nước sông hồ khác.

https://lh4.googleusercontent.com/fdxvjDdDU5QiY4-T_Nd0cBjWNSmDx8BFpktRevPBkcQp_xIleuo4FceLbehUTCAfzwpv9wv3kpPDu_vo4NdE5urMpgFoygu8lH2ACpArReC7md8-PzqNPg7_0xTq9divnZcUlL6c

Kabata sẽ được xây hơi dốc xuống về hướng đông. Các hệ thống Kabata của từng gia đình sẽ nối với hệ thống mương nước quanh làng để thoát nước. Mương nước sẽ to dần lên theo mức độ gom nước để rồi đổ vào hai con sống chính trong làng. Những Kabata gần sông sẽ đổ trực tiếp nước vào sông.