Vài tuần trước, mình nhận được một câu hỏi từ ông anh học cùng lớp thiết kế về việc bảo vệ ý tưởng khi tranh luận với sếp, theo như mình hiểu thì những cuộc tranh luận đó đều kết thúc bằng việc sếp của ông ấy khẳng định "như thế này mới là chuẩn", ông ấy cũng không biết làm thế nào để bảo vệ ý tưởng của mình hay phản bác lại ý kiến của sếp.
Bản thân mình thấy đây cũng là một vấn đề khá phổ biến với những anh em mới làm thiết kế như mình do kinh nghiệm còn ít và tiếng nói trong công ty còn hạn chế, nhiều khi không biết làm thế nào để tìm được dẫn chứng, lý lẽ để bảo vệ ý kiến cá nhân. Mình xin chia sẻ một chút kiến thức đã tích lũy được trong quá trình nghiên cứu, giúp các bạn bảo vệ ý tưởng thiết kế khi trao đổi với sếp, khách hàng hay các bên liên quan.
Dựa vào mỗi dự án mà nhu cầu của các bên liên quan sẽ khác nhau, nhưng có một số vấn đề mà hầu như dự án nào cũng gặp phải. Mình đã liệt kê ra một số câu hỏi mẫu mà theo mình bất kỳ ý tưởng thiết kế nào cũng nên đối chiếu qua nếu muốn thuyết phục sự đồng ý của người khác.
Một trong những cách tốt nhất để khiến ý tưởng của bạn trở nên thuyết phục chính là kết nối nó trực tiếp tới nhu cầu của doanh nghiệp. Hãy thử trả lời những câu hỏi dưới đây để tự nhìn nhận xem ý tưởng của bạn đã đủ sức thuyết phục hay chưa.
Những thiết kế mà bạn đưa ra đều phải hướng đến mục đích chung là giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của họ, thường là doanh thu. Nếu bạn đưa ra được lý do tại sao ý tưởng của bạn có thể giúp doanh nghiệp đạt được nhiều tiền hơn thì chẳng có lý do gì mà họ không đồng ý với những giải pháp mà bạn đưa ra cả.
Nhưng để chỉ ra những giải pháp đó ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu của doanh nghiệp thì không hề đơn giản, đặc biệt là đối với những thiết kế tương tác nhỏ mà có thể chẳng ảnh hưởng nhiều đến cách người dùng sử dụng cả một sản phẩm. Bạn không nhất thiết phải chỉ ra cụ thể, mà cần phải có đủ sự tự tin và kinh nghiệm để khẳng định rằng ít nhất những ý tưởng hay giải pháp đó là một bước đi nhỏ trong những cách tiếp cận xa hơn.
Khi trao đổi với sếp hay mọi người trong nhóm, mình thường đưa ra lý do và ảnh hưởng của những thiết kế đối với mục tiêu của công ty kiểu như: "[những thiết kế này] sẽ ảnh hưởng đến [mục tiêu của doanh nghiệp] bởi vì [một vài lý do nào đó]. Bằng việc này, ý tưởng đưa ra sẽ có trọng lượng hơn.
Nhưng lý do mà bạn đưa ra chỉ là sự khẳng định dựa trên kinh nghiệm cá nhân và chưa chắc nó đã khiến mọi người nghe theo nhưng ít nhất thì cũng đã giúp bạn xây dựng tư duy đưa ra giải pháp một cách chủ động và có mục đích hơn.
Đây có lẽ là cách giải thích phổ biến nhất, bởi vì mọi thứ chúng ta làm là thiết kế xoay quanh những ca sử dụng, tính năng của sản phẩm. Đồng thời chỉ ra những ca sử dụng hay tính năng nào sẽ được tối ưu khi giải thích ý tưởng của bạn sẽ giúp những ý tưởng đó trở nên có ý nghĩa hơn.
Việc tập trung vào những tính năng nhỏ nhặt có thể sẽ khiến bạn quên đi mục đích sử dụng chính của cả ứng dụng. Khi đưa ra một ý tưởng nào đó về việc cải thiện các ca sử dụng hay tính năng, hãy đối chiếu lại với những tài liệu liên quan đến những ca sử dụng đó để đảm bảo rằng bạn "không đi chệch khỏi đường ray".
Có thể việc này không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm chung của người dùng nhưng một số trường hợp trang web hay ứng dụng mà bạn đang thiết kế chưa có quy chuẩn về màu sắc, phông chữ. Hãy cân nhắc đến việc giúp đỡ khách hàng hay sếp của mình xây dựng bộ tài liệu quy chuẩn về phong cách thiết kế. Hãy giải thích cho họ biết việc thể hiện các thiết kế một cách thống nhất sẽ giúp thương hiệu của họ lan tỏa dễ dàng hơn và đồng thời giúp họ tìm cách kết nối các thiết kế đó với nhau.
Đưa ra những lý lẽ liên quan đến thiết kế hay tính thẩm mỹ cũng là một cách tiếp cận để bảo vệ ý tưởng thiết kế của bạn. Cũng giống như phần trước, giải pháp của bạn cần phải trả lời được một số câu hỏi sau để có thể thuyết mục người khác dễ dàng hơn.