[Chia sẻ tất tần tật cách viết resume và nộp đơn cho mọi vị trí liên quan đến Tech (Software, Hardware, Data, Quant)]

Chào mọi người ạ,

5 năm qua, mình đã tự tìm hiểu quá trình tuyển dụng mảng Tech ở Mỹ, và mỗi ngày nhìn vài LinkedIn và Resume để tự xây dựng resume. Và năm ngoái, mình đã áp dụng 1 trình tự mình 100% tự làm, với 1 mục đích: vượt qua vòng Resume Screen càng nhiều công ty / vị trí càng tốt.

Kết quả: với phần lớn công ty cỡ vừa / lớn / không quá nghèo tiền mặt, chỉ cần tên công ty thấy quen quen, resume mình đều vượt qua, với mọi vị trí SWE, Data Analyst, Data Science, và Machine Learning Engineer. Microsoft mời mình phỏng vấn trong 30 phút sau khi nộp, và thời điểm nóng là tháng 9-11, tỉ lệ nhận phỏng vấn là 100%.

Trong resume lúc đó, mình học trường không có danh tiếng, GPA bình thường (3.7), không để giải thưởng lập trình gì, 1 kinh nghiệm ở 1 startup không nổi tiếng trên truyền thông ở VN, và 4 projects. 1 tháng trước, sau khi dồn toàn lực vào tối ưu resume, mình đã được mời phỏng vấn ở tất cả các công ty top 10 trả lương thực tập cao nhất trên Levels.fyi, cộng IMC, Two Sigma, Virtu, và trừ Hudson River Trading mình chưa nộp.

3 tháng trước, sau khi có người bảo mình ác vì mình không chia sẻ, mình thấy bạn í đúng, vì mình cũng học nhiều điều từ nhóm ta. Vì vậy, hè này, mình đã chuẩn bị mẫu resume mình dùng và cách mình viết resume một cách dễ làm theo nhất. Bạn không cần biết Word cũng tự điền được và chỉnh sửa nhanh.

Hy vọng đây là món quà Trung thu có ý nghĩa. Nếu ai cần, dù có là du học sinh ở đâu hay là sinh viên trong nước, họ sẽ có 1 điểm tựa để dồn sự tập trung và áp lực làm những dự án có ý nghĩa, củng cố kiến thức, và chuẩn bị phỏng vấn, thay vì dồn vô 1 tờ giấy A4.

[Phần 1: Xây dựng resume]

A. Ý tưởng lớn: không làm tốn thời gian đọc resume của recruiters


B. Quy luật chung cho resume:

B1. Mình nghĩ nếu bạn đang đi học, để các mục theo thứ tự:

Education -> Work Experience (nếu có) -> Projects -> Skills

B2. Mình nghĩ nếu bạn đã tốt nghiệp > 1 năm, để các mục theo thứ tự:

Work Experience -> Education -> Project -> Skills

Bình luận: Khi nhìn resume, recruiters muốn xác định ứng viên không nộp nhầm vị trí (Chưa năm cuối -> Intern; năm cuối hay, ở 1 vài trường hợp, mới tốt nghiệp < 1 năm -> New Grad; đã đi làm > 1 năm -> Experience). Nhìn từ trên xuống dưới, việc sắp xếp trên sẽ giúp recruiters xác định mình nộp đúng vị trí một cách nhanh nhất. Cũng như khi giới thiệu bản thân, nếu mình giới thiệu mình là học sinh, thường điều đầu tiên người ta quan tâm là mình học trường gì.

B3. Font Times News Roman, cỡ chữ 11.

Bình luận: Arial và Times News Roman là 2 font phổ thông nhất, và cỡ chữ từ 11 là cỡ chữ vừa đủ nhìn -> đọc -> hiểu không cần nheo mắt, không như 10, và dễ dàng điền đầy thủ thông tin, không như 12.

B4. Với mọi thứ liên quan đến liệt kê, không đặt dấu chấm câu ở cuối. Với mọi thứ miêu tả mình đã làm gì, đặt dấu chấm câu ở cuối mỗi miêu tả.